logo

Lăng Bà Vú Nha Trang - Lăng Thờ Nhũ Mẫu Vua Gia Long

Lăng Bà Vú là nơi thờ người phụ nữ đã giúp vua Gia Long ( Nguyễn Phúc Ánh) trong lúc ông gặp khó khăn nhất. Bên cạnh đó đây còn là một công trình kiến trúc chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa tiêu biểu và đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là yếu tố mỹ thuật. 12/02/1999, Lăng Bà Vú được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.

photo

Nội dung bài viết

Lăng Bà Vú Nha Trang ở đâu?

Lăng Bà Vú (còn gọi là Lăng Nhũ Mẫu) tọa lạc tại tổ 9, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.

lang-ba-vu-nha-trang

Lăng Bà Vú là nơi chôn cất người phụ nữ đã có công giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long) qua cơn hoạn nạn lúc giao tranh với nhà Tây Sơn. Công trình do vua chỉ đạo xây dựng theo kiến trúc lăng tẩm để đền ơn đáp nghĩa nên dân gian gọi là lăng.

lang-ba-vu-nha-trang

Lịch sử hình thành Lăng Bà Vú Nha Trang

Từ những năm 1775 trở đi, Khánh Hòa thường xuyên xảy ra những việc tranh chấp giữa quân Tây Sơn và quân Chúa Nguyễn. Trong sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi chép: Nguyễn Ánh đã 5 lần đem quân ra đánh chiếm phủ Bình Khang (Khánh Hòa ngày nay) và trong tất cả những lần đó, Nguyễn Ánh đều bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, bị đuổi chạy khắp nơi, điển hình như trận thủy chiến ở khu vực Hòn Thị năm 1784.

lang-ba-vu-nha-trang

Khi giao tranh với nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh nhiều đã lần thất bại phải kéo quân bỏ chạy, trong một lần khi chạy đến làng Mỹ Hiệp thì lương thực cạn kiệt, trong mình lại đang bị bệnh, quân lính vừa đói vừa kiệt sức, rơi vào tình thế vô cùng nguy khốn. Trong đêm tối, Nguyễn Ánh cùng đoàn tùy tùng đến gõ cửa nhà một người dân để xin bát cơm.

Chủ nhà (được biết đến đó là bà Trương Thị Tiềm) động lòng trắc ẩn nên mời Nguyễn Ánh và đám tùy tùng đi theo vào nhà nghỉ ngơi. Sau đó, bà cho người giúp việc giết heo làm thịt, nấu cơm đãi tất cả mọi người, đồng thời cung cấp thêm lương thực để đi đường. Riêng đối với Nguyễn Ánh, ngoài việc lo thuốc men chu đáo, bà còn cho người vắt sữa bò cho ông uống để mau phục hồi sức khỏe. Nhờ sự chăm sóc tận tình và đối đãi tử tế ấy mà Nguyễn Ánh sớm lành bệnh và các tướng sĩ dần dần phục hồi sức khỏe để tiếp tục kéo quân về phương Nam.

lang-ba-vu-nha-trang

Sau khi Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế và lấy hiệu là Gia Long (1802-1819). Nhớ lại ơn người cứu giúp năm xưa, vua sai người về làng Mỹ Hiệp đưa bà cụ ra kinh đô phụng dưỡng. Tuy nhiên, khi sứ giả tới nơi thì bà cụ đã mất. Để tỏ lòng tri ân, vua Gia Long truy phong cho bà danh hiệu “Nhũ Mẫu” (người Vú nuôi). Đồng thời, vua ra lệnh cho bộ Công cử một số thợ giỏi đang xây dựng cung điện nhà vua ở kinh đô lúc bấy giờ vào Mỹ Hiệp phối hợp với thợ địa phương xây dựng lăng mộ cho người Vú nuôi theo quy cách lăng tẩm của hoàng tộc.

Khu lăng mộ được xây dựng trong hai năm (1802 – 1804), đặc biệt buổi lễ khánh thành được tổ chức cúng rất lớn và do quan đầu tỉnh trực tiếp làm chủ lễ.

Bởi vì bà không có con cháu để nhang khói và tế tự, vua còn cấp ruộng đất cho bà con trong vùng cày cấy không phải nộp thuế để lo cúng giỗ của Bà. Chính vì thế, hàng năm cứ đến ngày giỗ của Bà, chức sắc và dân làng tập trung làm lễ giỗ rất long trọng, đủ lễ nhạc như các lăng tẩm ở triều đình. Từ đó, việc nhang khói, cúng tế ở lăng Bà Vú vẫn do quan Tuần Vũ Khánh Hòa đến làm chủ lễ theo lệ Xuân Thu nhị kỳ.

Đến ngày nay, Ban quản lý di tích cùng chính quyền và nhân dân địa phương vẫn tổ chức lễ giỗ Bà Vú vào ngày 16 tháng Chạp hàng năm.

Có thể bạn sẽ cần: Hướng Dẫn Kinh Nghiệm Du Lịch Nha Trang Tự Túc Chi Tiết

Kiến trúc Lăng Bà Vú độc đáo – Mang nét văn hóa dân gian

Lăng Bà Vú nằm trên một khu đất rộng 1.766 m2 (lăng mộ có diện tích 291m2 ). Phía trước lăng là khoảng đất trống rộng dùng để trồng hoa, cây cảnh, xa nhất về phía trước là hồ nước hình chữ nhật (diện tích 262m2), theo quan niệm xưa, di tích có vị trí đẹp thì phía trước phải có hồ nước là nơi tụ thủy (tức là tụ phúc) làm yếu tố minh đường và phía sau lăng Bà Vú là một hòn giả sơn đắp bằng đất làm yếu tố hậu chẩm (thế dựa lưng), tuy nhiên, đến ngày nay vì nhiều nguyên nhân nên hòn giả sơn đã không còn.

lang-ba-vu-nha-trang

Lăng quay về phía Đông, hơi lệch sang hướng Bắc (chừng 150), có kết cấu gồm 3 lớp tường thành, bao gồm La Thành, Bửu Thành, Uynh Thành.

  • La Thành (lớp tường thành thứ 1): Bao bọc bên ngoài hình chữ nhật (với kích thước 9,65m x 13,46m), có cửa vào rộng 3,62m, chiều cao trung bình 2,0m. Trên đỉnh ở hai bên cổng có 2 con lân nằm với chất liệu vôi vữa và tô màu rất sống động, sắc sảo. Đỉnh thành có đắp mũ, trát gờ chỉ. Mặt ngoài trát vữa tô trau, mặt trong trang trí các cảnh tích. Trên hai góc tường phía trước nguyên đắp câu đối nhưng nay đã mờ gần hết chữ, dưới hai con lân đắp nổi hai chữ Phúc.

lang-ba-vu-nha-trang

  • Bửu Thành (Lớp tường thành thứ 2): Có dạng hình chữ nhật (kích thước 9,43m x 12,3m), cao 1,385m, cửa mở về phía Đông, rộng 2,97m. Đỉnh tường cũng được đắp mũ tròn, gờ chỉ. Trên cổng ở hai bên cũng đắp 2 con lân trong tư thế đặt một chân lên quả cầu. Toàn bộ mặt trong và ngoài của Bửu Thành trang trí ô hộc, đắp hoa văn và cảnh tích bằng vữa tô màu.

lang-ba-vu-nha-trang

  • Uynh Thành (Lớp tường thành thứ 3): Là khu vòng thành trong cùng bao bọc lấy phần mộ. Uynh Thành có dạng hình ô van, đỉnh tường thành nhấp nhô kiểu yên ngựa (đầu và đuôi cao, giữa thấp). Thành được tạo dáng giống như hai con lân quấn đuôi vào nhau, hai đầu nằm trên cổng. Các chùm tóc xoắn lông, chùm đuôi lân đắp nối liền với đầu, trùm lên mũ tường Uynh Thành, thân tường chia ô hộc và đắp hoa văn cảnh tích.

lang-ba-vu-nha-trang

Từ ngoài vào trong, bên cạnh 3 vòng thành nói trên còn có án phong, bệ bia, huyệt mộ và hương án. Điểm độc đáo làm nên giá trị của Lăng Bà Vú là vật liệu xây dựng và hoa văn trang trí độc đáo, tiêu biểu như:

  • Về vật liệu: Lăng mộ được xây bằng vữa truyền thống theo kỹ thuật thời Nguyễn, đó là “bê tông cổ” hay vữa tam hợp. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hợp chất này được chế tạo bằng cách trộn các vật liệu gồm: cát thô (cỡ hạt tới 10mm), vôi hàu giã, bột giấy, mật mía, nhựa cây bời lời (hoặc lá bồ đề giã nhỏ lấy nhớt). Các vật liệu được hòa trộn với nhau theo một tỉ lệ nhất định và kết cấu công trình có bền vững hay không phụ thuộc vào tỉ lệ pha trộn vật liệu của người nghệ nhân. Các tường thành hoặc khối tạo hình theo từng lớp dày 20-30cm, vữa trát ngoài hoặc các họa tiết trang trí dày 12mm. Màu sắc các chi tiết được sử dụng theo màu truyền thống pháp lam Huế.

![lang-ba-vu-nha-trang](

  • Về hoa văn trang trí: Các họa tiết trang trí ô hộc và các văn tự phần lớn được đắp trên các tường thành. Hệ thống ô hộc dàn trải trong không gian của từng vòng thành bao bọc khu Lăng mộ. Phỏng theo những cảnh tích cổ như: Nhị thập tứ hiếu (Lão Lai Tử, Quách Cự, Lục Tích, Giang Cách, Hoàng Hương, Dương Hương, Tăng Tử, Mẫn Tử Khiên…), thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, Sơn thủy tùng định, Bát tiên,…Các cảnh tích này thể hiện lối sống thanh tao, trong sáng của người quân tử, đạo nghĩa làm người…nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

lang-ba-vu-nha-trang

Các ô hộc có kích thước lớn được trang trí bằng những hồi văn chữ Vạn hay những hoa văn dây leo được cách điệu. Đặc biệt khu vực hương án, các họa tiết trang trí được thể hiện khá chi tiết. Đây được xem như ngai thờ, cũng là điểm chính của khu lăng mộ. Ngoài các họa tiết hoa văn trang trí còn có một bức văn bia bằng chữ Hán Nôm có nội dung ca ngợi đức hạnh của Bà Vú.

Nghệ thuật trang trí ở Lăng Bà Vú thể hiện sự hoàn chỉnh, sắc nét từ họa tiết đến hoa văn, với những đường nét và mảng khối thể hiện sự thống nhất, bố cục chặt chẽ trong một không gian hẹp, có mảng chính, mảng phụ, có điểm nghỉ mắt, tạo nên tổng thể hài hòa, cân đối.

lang-ba-vu-nha-trang

Các nghệ nhân đã khéo léo sử dụng hình thể, đường nét theo hướng nội trong từng chi tiết ô hộc, cũng như việc sắp đặt những con lân chầu ở La Thành, Bửu Thành hoặc lưỡng long ở Uynh Thành… Điều đó tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, đem lại cảm giác ấm cúng cho khu Lăng mộ.

lang-ba-vu-nha-trang

Từ vật liệu xây dựng đến nghệ thuật trang trí ở Lăng Bà Vú đã biểu đạt được ý nghĩa văn hóa và giá trị nhân văn sâu sắc, nhằm tri ân người phụ nữ đã có công sức và tiền của giúp chúa Nguyễn Phúc Ánh lúc hoạn nạn. Phong cách kiến trúc triều Nguyễn ấy, đã có sự kế thừa của các thời đại trước đó, mà theo Nguyễn Hữu Thông, nghệ thuật tạo hình thời các chúa Nguyễn ở giai đoạn đầu phản ánh nghệ thuật thời Lê ở các phương diện: chất liệu, kỹ thuật, tạo hình,…

Kiến trúc lăng mộ cũng được xuất hiện với kết cấu thiên về hình khối, chắc khỏe thậm chí thô bè, dày dặn theo phong cách của nhà Lê.

lang-ba-vu-nha-trang

Vào ngày 12/02/1999, Lăng Bà Vú là một Di sản văn hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia tại Quyết định số 05/1999-QĐ-BVHTT, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.


Chia sẻ bài viết:

Thông tin liên hệ

Địa chỉ:

TT. Ninh Hòa, Ninh Hòa, Khánh Hòa

Email:

info@nhatrang79.com

Điện thoại:

Đang cập nhật

Bài viết liên quan

Nhà Thờ Hà Dừa Diên Khánh

Nhà Thờ Hà Dừa Diên Khánh

Giáo xứ Hà Dừa là một trong những Giáo xứ lâu đời nhất tại Khánh Hòa và đây là địa điểm sinh hoạt của đồng bào giáo dân ở huyện Diên Khánh. Giáo dân tại đây hầu như là đến từ các tỉnh khác nhau ở phía Bắc. Với nét kiến trúc cổ kính và độc đáo, lịch sử lâu đời, nhà thờ Hà Dừa Diên Khánh là một trong những địa điểm thú vị của Khánh Hòa...

Đọc bài viết

Nhà Thờ Cây Vông

Nhà Thờ Cây Vông

Nhà thờ Cây Vông với lịch sử hơn 300 năm tuổi, là một trong các giáo xứ kỳ cựu nhất tỉnh Khánh Hòa. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử đến ngày nay nhà thờ đã trở thành một điểm đến nổi tiếng tại Nha Trang Khánh Hòa. Với lối kiến trúc cổ điện của các nhà thờ, diện tích rộng rãi khang trang cùng với không gian xung quanh quyện trong bầu không khí thanh mát của thiên nhiên nơi đây.

Đọc bài viết

Pháp Viện Thánh Sơn Khánh Hòa

Pháp Viện Thánh Sơn Khánh Hòa

Pháp Viện Thánh Sơn là một trong những điểm đến tâm linh nổi tiếng tại Nha Trang. Đây là một quần thể kiến trúc Phật Giáo mang đặc trưng của hệ phái Khất sĩ. Khi ghé thăm ngôi chùa này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những đền đài cổ kính với lối kiến trúc độc đáo, hiếm nơi đâu có được. Ngôi chùa được xem điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm một chốn thanh tịnh, an yên trong tâm hồn.

Đọc bài viết

NhaTrang79 logo

Giấy phép kinh doanh lữ hành số: 56-113/2019/TCDL-GP LHQT.

Ghi rõ nguồn "Nha Trang 79" khi phát hành lại thông tin từ kênh thông tin này.

DMCA.com Protection StatusBo thong tin

Thông tin công ty

Nha Trang 79 Travel

P.201 - Tầng 2 - 45B Vân Đồn - Nha Trang

info@nhatrang79.com

097.117.4868

Thông tin khác

Thanh toán

Liên hệ

Chính sách hủy Tour

Điều khoản sử dụng

Chính sách bảo mật

+10,000

người theo dõi mỗi ngày

+2,000

địa điểm đang có tại Nha Trang

© 2019 - 2024 Nha Trang 79. All rights reserved